10 kỹ năng trẻ cần có trước khi vào lớp 1
[hupso]
Tuyển sinh lớp 1
TS Vũ Thu Hương Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm tư vấn cho cha mẹ những chuẩn bị cụ thể giúp con thích nghi với trường, lớp mới.
………………………………………………………
Cập nhật những thông tin hữu ích nhất về Tuyển sinh lớp 1, giúp các bậc phụ huynh chọn trường, chọn lớp cho con hiệu quả.
Trẻ từ lứa tuổi mẫu giáo lên lớp 1 còn nhiều bỡ ngỡ, bỡ ngỡ từ môi trường đến các thói quen sinh hoạt. Cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Vũ Thu Hương – Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm sẽ tư vẫn cho các bậc phụ huynh để có những chuẩn bị cụ thể giúp các con thích nghi với trường, lớp mới.
Khác biệt giữa mẫu giáo và lớp 1 như thế nào, thưa chuyên gia?
Tiểu học và mầm non khác biệt nhau rất lớn. Ở mầm non, các con được vui chơi là chính, được phép tùy hứng đi lại, chạy nhảy, vui chơi, nói năng. Các con không có nhiệm vụ gì quan trọng, cũng không bị kiểm tra hay thi cử gì. Cô giáo mầm non giống mẹ, chăm sóc và vui chơi với các bé. Bạn bè giống anh chị em trong gia đình, chia sẻ và vui chơi.
Ở bậc tiểu học, con sẽ phải tập trung học hành với thời khóa biểu nghiêm túc. Các bé phải ngồi yên suốt giờ học để nghe giảng. Các bé phải học tập nghiêm túc với nhiệm vụ khá nặng nề. Thời gian vui chơi hạn hẹp. Cô giáo tiểu học là giáo viên dạy dỗ các bé, cô sẽ quản lý và đánh giá các bé. Vì thế, cô sẽ nghiêm khắc và xa cách hơn cô giáo mầm non. Bạn bè ở tiểu học sẽ có quan hệ đồng đẳng và cạnh tranh chứ không còn là anh chị em như bạn bè mầm non.
Theo chị, những kỹ năng nào mẹ cần chuẩn bị cho con để con thích nghi từ môi trường của mầm non lên tiểu học?
Kĩ năng 1: Tự tìm lối thoát hiểm.Ở bất kể một môi trường nào cũng sẽ tiềm ẩn các nguy cơ. Hướng dẫn con tìm lối thoát hiểm là việc nên làm sớm.
Kĩ năng 2: Sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Con sẽ ở trường tiểu học trong 5 năm liền, vì thế, xác định nhà vệ sinh ở khu vực nào là điều vô cùng quan trọng. Con rất cần tìm đúng và nhanh nhà vệ sinh khi có nhu cầu sử dụng đúng cách, sạch sẽ và văn minh để không gây ảnh hưởng đến nhà trường, bạn bè, xếp hàng theo trật tự để cùng sử dụng, không chen ngang, lấn hàng.
Kĩ năng 3: Đi cầu thang đúng cách. Nếu đi cầu thang mà chen lấn xô đẩy, rất dễ có thể làm không chỉ bản thân bị ngã mà các bạn xung quanh cũng ngã theo.
Kĩ năng 4: Việc ăn uống ở trường
Con cần có kĩ năng ăn tự giác, ăn uống gọn gàng, lịch sự. Trước khi ăn, con phải biết cách rửa tay cho đúng cách. Sau khi ăn, con cần phải biết tự dọn bát ăn của mình, lau bàn ghế và rửa tay, rửa mặt.
Kĩ năng 5: Rửa tay đúng cách. Các mẹ đừng lười nhé, hãy cố gắng dạy con quy trình rửa tay đúng cách theo quy định của bộ Y tế. Con làm quen rồi thì việc rửa tay trở nên đơn giản thôi.
Kĩ năng 6: Việc ngủ ở trường
Con đi học tiểu học chắc chắn sẽ ăn và ngủ trưa tại trường. Các bé nào không hòa nhập được, khó ngủ trưa, sẽ bị mệt và chiều học hành sẽ khó khăn. Vì thế, các cha mẹ cần tập cho con thói quen ngủ trưa vào 1 giờ nhất định và thay đồ ngủ cho phù hợp với thời tiết và điều kiện nhà trường.
Kĩ năng 7: Tạo thói quen với đồng phục trường
Khác với mầm non, tiểu học sẽ luôn sống cùng đồng phục. Đồng phục của con sẽ là áo trắng và quần hoặc váy. Với các bé gái, các cha mẹ cần dặn con đi đứng chú ý để khỏi bị tốc váy. Khi ngồi khép chân để không bị lộ đồ lót.
Với các bé trai, các cha mẹ cần chọn áo rộng một chút để con có thể mặc thoải mái. Các bé cũng cần được hướng dẫn mặc đồ cho phù hợp với nội quy của nhà trường mà vẫn thoải mái dễ chịu.
Kĩ năng 8: Giữ trật tự trong lớp. Trẻ mầm non thì được tự do nói chuyện thoải mái. Nhưng khi lên tiểu học, các con sẽ không được tự do như vậy. Để bài giảng được tiến hành, chắc chắn cô giáo sẽ yêu cầu các con phải giữ trật tự. Với người lớn điều này quá dễ dàng nhưng với trẻ thì không dễ.
Kĩ năng 9: Không chen lấn xô đẩy khi xếp hàng. Với trẻ tiểu học, kĩ năng đi theo hàng là khá quan trọng. Khi các bạn xếp hàng, các bạn phải tự xác định được hàng của lớp mình là ở đâu và mình đứng ở chỗ nào trong hàng.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương – Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm
Đứng trong hàng, trẻ không được phép nói chuyện riêng, phá hàng, trêu chọc bạn. Kĩ luật trong hàng nếu bị phá vỡ, có thể cả lớp sẽ bị phạt. Vì thế, rất cần thiết phải dạy trẻ không chen lấn xô đẩy khi đứng trong hàng, không nói chuyện riêng, phá hàng, trêu chọc bạn.
Kĩ năng 10: giữ gìn đồ dùng học tập
Một “tội” rất phổ biến của học sinh lớp 1 khiến cha mẹ và thày cô vô cùng phiền lòng chính là phá đồ dùng học tập. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì những đồ dùng đó quá mới lạ với trẻ, cách thức sử dụng chúng trẻ chưa rõ lắm. Trẻ cũng không hiểu rõ về lợi ích của từng đồ dùng. Sự tò mò đó đã khiến trẻ rất thích thú khám phá và làm hỏng các đồ dùng.
Hơn nữa, do chưa quen với việc quản lý tài sản riêng, trẻ rất dễ làm mất mát đồ dùng như sách vở, bút, tẩy, bút chì…. Để tránh lãng phí, đồng thời dạy trẻ kĩ năng bảo vệ đồ dùng học tập cha mẹ cần thực hiện theo các bước như sau.
Những bước các mẹ chuẩn bị để cho con vào lớp 1 là gì, thưa chị?
Theo tôi, có 2 phần việc rất rõ ràng mà cha mẹ cần làm để giúp con bước vào lớp 1 vui vẻ.
Trước hết về Tâm lý: Cha mẹ cần đưa con đến trường tiểu học trước để con làm quen với ngôi trường, với các đồ dùng học tập và môi trường mới. Cha mẹ cũng cần kể cho con nghe về trường lớp, nhấn mạnh những điểm khác biệt giữa tiểu học và mầm non để con có sự chuẩn bị từ trước khi vào lớp. Cha mẹ cũng cần biến ngày đầu tiên đi học của con trở thành ngày hội lớn để con háo hức bước đến trường. Một món quà, một bữa tiệc đơn giản với con sẽ là niềm vui con nhớ mãi.
Cần chuẩn bị cho trẻ những bước cần thiết để trẻ vào lớp 1
Thứ hai là chuẩn bị về đồ dùng học tập: Cha mẹ nên cùng con lập kế hoạch mua sắm. Có thể ghi ra thành một danh sách đầy đủ và cùng con đi tìm đồ dùng trong hiệu sách và hiệu văn phòng phẩm. Cùng con sắp xếp đồ đạc, bọc vở, dán nhãn. Những công việc này sẽ tạo cho con niềm háo hức được đến trường. Đồng thời nó còn giúp con nhận thức được trách nhiệm giữ sạch đẹp đồ dùng học tập.
Cảm ơn chuyên gia vì cuộc trò chuyện này!
Theo Tuệ Linh (Khám Phá) EVA.VN