Trường tiểu học tư thục bán trú, nội trú Nhật Tân

Hotline:0982977441 - 0906768776 - 028 3895 0423
Nhựt Tân

Khi thầy quét lớp

[hupso]

TT – Việc thầy cô cùng lao động với học sinh là điều cần thiết giúp học sinh thấy rằng lao động thật sự là niềm vui của mọi người.

truong tieu hoc ban tru

Tôi là giáo viên dạy môn toán, ngoài những giờ dạy chính thức trên lớp tôi còn dạy lớp học tự chọn trong nhà trường, dành cho học sinh yếu kém môn toán. Lớp tự chọn tôi dạy chỉ có 21 em.

Tôi phân công luân phiên quét lớp, cứ buổi học này toàn bộ các em học sinh nam quét lớp thì buổi học sau các em nữ quét lớp. Cách đây khoảng hai tuần, đến lượt học sinh nam quét lớp, buổi học này học sinh vắng nhiều, sắp đến giờ học mà chỉ có em Sang và em Nghĩa, rác lại rất nhiều.

Thế là để tranh thủ thời gian, tôi cùng hai em Sang và Nghĩa quét lớp. Nhìn cách quét của hai em tôi biết ngay ở nhà các em ít khi làm công việc này. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng các em làm rất khó khăn. Tôi vừa quét lớp vừa hướng dẫn các em cách quét sao cho nhanh chóng. Thấy tôi quét lớp, rất nhiều học sinh ngạc nhiên hỏi: “Sao thầy lại quét lớp vậy thầy?”. Tôi nói: “Thầy quét lớp là chuyện bình thường. Quét lớp hay quét nhà là việc mà ai cũng có thể làm được các em à!”.

Quả thật từ nhiều năm nay, khi làm công tác chủ nhiệm, mỗi khi nhà trường tổ chức các buổi lao động dành cho học sinh, tôi thường làm việc cùng các em chứ không bao giờ chỉ đứng nhìn các em làm. Chính việc cùng lao động với các em giúp tình cảm thầy trò gắn bó hơn. Nhiều học sinh rất lười lao động nhưng thấy tôi cùng lao động, các em không còn ngán ngại nữa vì nghĩ: “Thầy còn làm việc thì không lý do gì học trò lại không lao động”.

Hiện nay có rất nhiều phụ huynh vì quá cưng chiều con nên không cho con làm bất cứ việc gì tại gia đình. Khi vào trường phân công quét lớp, các em rất ngán ngại.

Đã có lần tôi nói chuyện với mẹ em Hùng, học sinh lớp 7, chị than rằng tháng trước chị bị bệnh nặng, chồng chị đi làm, nhờ Hùng nấu cho chị ấm nước nóng vậy mà Hùng cũng không làm được. Chị nói vì cưng con, không cho con lao động từ nhỏ nên bây giờ Hùng chỉ có học chứ không biết làm việc gì.

Cũng vì không làm việc từ thuở ấu thơ mà đến khi sống xa nhà, nhiều sinh viên không thể tự giặt một bộ quần áo hay nấu một bữa cơm. Những việc đơn giản nhất để phục vụ cho bản thân, các em còn không làm được thì liệu các em có thể làm được việc gì lớn lao hơn?

Tôi nhớ lại cách đây khoảng năm năm tôi chủ nhiệm lớp 7, trong lớp có em Hải là học sinh giỏi. Vì quá cưng con nên cứ mỗi lần đến phiên em Hải trực nhật là mẹ em vào lớp học để quét lớp thay cho em. Nhờ tôi giải thích, mẹ em Hải mới không đến trường nữa. Sau ngày đó, tôi cũng giúp em Hải quen dần với những buổi lao động trong lớp, dần dần em không còn ngại lao động nữa. Thậm chí khi nhà trường tổ chức cắm trại, em lao động rất nhiệt tình.

Có thể do chương trình học quá nặng, học sinh mất nhiều thời gian cho việc học, nên nhiều bậc phụ huynh thường làm hết công việc gia đình để con dành hết thời gian cho việc học.

Tuy nhiên, nếu không cho các em làm những việc nhỏ thì dần dần các em sinh ra lười lao động. Thậm chí nếu không lao động chân tay, các em dễ sinh ra thói xấu là xem thường những người lao động chân tay. Theo tôi, một học sinh toàn diện phải vừa học giỏi vừa biết làm những việc phù hợp với lứa tuổi của mình như lời dạy của Bác Hồ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.

Một việc làm hơn ngàn lời nói

Nếu thầy cô giáo chỉ biết ra lệnh, không thuyết phục học sinh bằng chính hành động của mình thì vai trò của giáo dục xem như là con số 0.

Trời nắng như đổ lửa, những khuôn mặt đỏ bừng vì mệt, nhiều học sinh bị kiến đốt không thể tiếp tục công việc phát quang bụi rậm, cào và đốt rác… Một số em túm tụm chỗ bóng cây nghỉ mệt và gãi ngứa…

Tiếng cô giáo vang lên: “Làm nhanh lên, không hết giờ!”, các em uể oải đáp lại: “Nhiều kiến lắm cô ạ”, rồi lại tiếng cô giáo: “Đừng trốn việc, tôi có thấy kiến gì đâu…?”. Nghe cô giáo nói, đám học trò liếc xéo, có em thì thầm nói với bạn: “Nhìn cô bịt khẩu trang kín bưng, áo tay dài, bao tay, bao chân như thế, lại đứng ở chỗ mát chỉ đạo thì làm sao thấy kiến được!”.

Sau buổi lao động ở vườn trường, học sinh đã phân bì cách hành xử của cô chủ nhiệm: “Nhìn qua lớp B, thấy thầy T. cùng học sinh cào cỏ, phát cây, vừa làm vừa kể chuyện vui mà thấy thèm”. Có em tiếp lời: “Ai như cô mình, đã không làm thì thôi còn đứng la mắng hết nhóm này đến nhóm khác”. Nghe chuyện các em kể, tôi nhớ lại câu chuyện về cô Hải, giáo viên dạy văn Trường trung học cơ sở Tân Hải mà chính tôi là người chứng kiến.

Ngày đó, nhà tôi bán căngtin trước dãy phòng học sinh khối lớp 9 của trường. Nhiều buổi sáng tôi thấy học sinh vào lớp rồi hớt hải chạy ra, tụ tập đầy phía trước căngtin. Hỏi ra mới biết lớp học bị phóng uế. Vì sợ dơ nên không em nào chịu vào dọn. Khi trống vào học vang lên, các em vẫn nhốn nháo đứng ở ngoài, giáo viên đến tiết không dạy được mới gọi cả lớp vào quét dọn.

Bị thầy cô la, các em làm trong miễn cưỡng nên mặt em nào em nấy bí xị. Thường thì hết tiết một mới dọn xong. Chuyện lớp bị phóng uế lại xảy ra liên tục trong tuần, nên lớp nào bị dơ thì mất luôn tiết học đầu tiên hôm đó. Phần lớn thầy cô đều đứng phía ngoài, chờ khi lớp được dọn sạch mới vào dạy tiếp.

Sáng hôm đó có tiết văn của cô Hải, đã đến giờ vào lớp mà các em vẫn đứng ngoài. Biết chuyện, cô không nói gì, lẳng lặng vào lớp dọn đồ dơ. Cô vào nhà tôi mượn hai chiếc thùng, cô xắn quần lên cao quá đầu gối, xách hai thùng nước, lấy chổi chà rửa lớp học. Thấy cô giáo làm, các học sinh không ai bảo ai chạy túa vào lớp, em đi xách nước, em phụ quét, em kê lại bàn ghế…

Và kể từ hôm đó, mỗi buổi sáng trước giờ vào lớp, hôm nào thấy lớp bị phóng uế, các em không đùn đẩy nhau và ra ngoài đứng nữa. Các em phân công nhiệm vụ cho nhau, rồi cùng nhau dọn dẹp vì: “Sợ cô tới, cô mà làm nữa thì khó coi lắm!”.

Hai câu chuyện, hai cách hành xử của cô giáo đã cho hai kết quả hoàn toàn trái ngược nhau. Ở câu chuyện thứ nhất, các em cũng hoàn thành công việc nhưng trong thế bắt buộc, nhiều em còn mang trong mình sự ấm ức, có em còn oán trách cô giáo không gương mẫu, không có sự cảm thông mà chỉ biết ra lệnh…

Ở câu chuyện thứ hai, chỉ bằng việc làm cụ thể, cô đã làm thức tỉnh các em học sinh về tinh thần trách nhiệm đối với trường lớp. Đồng thời cô cũng làm cho hình ảnh của người thầy đẹp dần lên trong mắt các em học sinh của mình. Thế mới biết một việc làm gương mẫu có sức mạnh hơn cả ngàn lời nói.

PHAN TUYẾT  ( Theo báo Tuồi trẻ )

0906768776