Trường tiểu học tư thục bán trú, nội trú Nhật Tân

Hotline:0982977441 - 0906768776 - 028 3895 0423
Nhựt Tân

Trẻ vào lớp 1: Dạy như thế nào?

[hupso]

(GD&TĐ) – Ngày họp phụ huynh cuối năm lớp mẫu giáo lớn, chị Hiền Minh ở khu tập thể Thanh Nhàn rất lo lắng. Cô giáo lớp Lá nhận xét bé Long nhà chị quá hiếu động, hay nói, không tập trung “học tập” và lo ngại bé sẽ gặp khó khăn khi vào lớp 1.

Ngày khai giảng, chị dẫn con tới trường tiểu học mà lòng không khỏi lo lắng. Chẳng biết cu Long rồi sẽ học hành thế nào đây?

 1. Quan điểm mới.

Trước đây, nhiều nhà giáo dục học cho rằng trẻ em giống như những chiếc chai không mà người lớn cần rót đầy thông tin vào đó. Quan điểm giáo dục hiện đại đã thay đổi. Những nghiên cứu về não bộ của trẻ cho thấy trẻ đã biết tự học ngay từ những điều trong thực tế. Ngay từ khi còn nhỏ tuổi, việc “học” của các em đã khá độc lập và hiệu quả, thông qua các hoạt động làm, thử thực hiện, khám phá, nhìn, nghe, vui chơi với bạn bè, suy nghĩ và tự giải quyết vấn đề. Học tập là một quá trình lâu dài, suốt đời và cần phải trải nghiệm, tương tác, giao tiếp và phản ánh. Điều này có tác động rõ ràng đến hoạt động giảng dạy của GV và học tập trên lớp của trẻ.

Hoạt động học của trẻ là một quá trình gồm nhiều bước. Các em có thể học từ việc trải nghiệm những kinh nghiệm, tự thực hiện một nhiệm vụ nào đó, hoặc thông qua những tình huống thực tế trong cuộc sống, hay tự tìm hiểu và khám phá. Các em cũng rất ưa thích việc tương tác thông qua chia sẻ kinh nghiệm, học với bạn cũng như người lớn và môi trường xã hội, từ đó các em có thể rút kinh nghiệm bằng cách suy nghĩ về kinh nghiệm học tập của mình và rút kinh nghiệm áp dụng cho các tình huống khác. HS có thể trao đổi những điều đã học và cách thức học những điều đó với người khác, cuối cùng là củng cố và áp dụng những điều trẻ đã học được.

 2. Tôn trọng cách học riêng của trẻ.

Tôm (tên gọi ở nhà của bé Long) rất hiếu động, tò mò và hay hỏi. Bé có thể hỏi mẹ những câu hỏi triền miên “liên tu bất tận”, đến nỗi chị Minh cũng phải “phát chán”. Cô giáo mầm non nói với chị: Long hay nói chuyện quá, và nói chuyện gì cũng rất lâu, cô bảo ngừng vẫn còn cố hỏi một hai câu nữa. “Nói chung là rất bướng”, cô bảo vậy. Tuy nhiên, khi Long vào lớp 1, cô giáo Hương lại rất thú vị trò chuyện với em vì những câu hỏi “bất tận” của cậu học trò nhỏ. Dù không nhiều thời gian dành cho từng HS, nhưng không bao giờ cô tỏ ra miễn cưỡng với các câu hỏi của bé. Chỉ có điều, cô hướng dẫn để bé có những câu hỏi gần với thực tế bài học, tránh sự lan man, “dây cà ra dây muống”.

Với cách dạy học lấy HS làm trung tâm, GV luôn coi trọng sự khác nhau giữa những đứa trẻ. Trẻ học theo nhiều cách khác nhau, với các mức độ (học lực) khác nhau. Một số HS học hỏi được nhiều hơn nếu các em được tự tay thực hành và học kém hiệu quả hơn nếu chỉ được ngồi nghe thuyết trình. Ngược lại, có những HS lại chỉ có thể học hiệu quả hơn khi nghe thuyết trình và kém hiệu quả hơn khi thực hành. Như vậy, mỗi trẻ đều có một cách học riêng, mà GV và phụ huynh cần lưu ý để các em có được kết quả tốt nhất, chẳng hạn như hầu hết HS học sẽ học rất hiệu quả thông qua hoạt động thực tế, còn có những em kết quả học tập lại tốt hơn hẳn thông qua giao tiếp với bạn bè. Tôn trọng xu hướng học tập của từng trẻ là cách tốt nhất để mang lại hiệu quả cao trong việc học của các em. Như vậy, cách dạy hiệu quả nhất cho các HS khác nhau cũng có thể hoàn toàn khác nhau.

Các nhà giáo dục học cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ có lực học rất khác nhau. Một số trẻ có khả năng tiếp thu trong một số lĩnh vực nhanh hơn hẳn những trẻ khác; một số trẻ khác học hầu hết mọi thứ đều nhanh. Ngược lại, có những HS tiếp thu chậm hơn bạn bè trong một số lĩnh vực nhất định. Điều này có lý do bởi các em có những trải nghiệm rất khác nhau trong quá khứ, do những khả năng mang tính bẩm sinh, do rào cản ngôn ngữ (chẳng hạn HS dân tộc khi học bằng tiếng Việt sẽ gặp khó khăn vì rào cản ngôn ngữ), do chất lượng hoặc phương pháp dạy học, do những sự quan tâm của gia đình cũng như cách học và cách dạy khác nhau.

Cho dù lý do là gì đi chăng nữa thì lực học của HS, phương pháp dạy cũng như học hiệu quả nhất ở một thời điểm nào đó cũng rất khác nhau. Vì vậy, phương pháp dạy học lấy HS làm trung tâm là một trong những phương pháp ưu việt, có thể đáp ứng được nhiều cách học khác nhau của trẻ.

3. Học mà chơi, chơi mà học.

Nói chuyện với chị Hiền Minh, cô Hương, GV lớp 1 của Long cho biết cô luôn tâm niệm mỗi trẻ có một cách học khác nhau, và GV cần tạo cơ hội cho HS học tập thông qua thực hành, giao tiếp, suy nghĩ, rút kinh nghiệm và trao đổi với người khác. Các em có thể học theo nhiều cách: học cá nhân, học theo từng cặp, theo nhóm, cùng chia sẻ ý tưởng, thông tin và cùng nhau giải quyết vấn đề. Việc kể lại về những gì mình đã làm, việc lắng nghe người khác, đặt và trả lời câu hỏi là một cách quan trọng để HS khám phá và hiểu biết hơn. Chính vì vậy, cô Hương luôn tạo cơ hội cho các em thực hành, suy nghĩ rút kinh nghiệm và trao đổi với những người khác, kể cả trong những bài học đơn giản nhất. Thêm vào đó, cô còn chú trọng những trò chơi bổ ích trong các tiết học, chẳng hạn như thông qua các trò chơi về toán học hoặc ngôn ngữ, HS có thể làm quen với các khái niệm và củng cố vốn hiểu biết của mình một cách vui vẻ và thú vị. HS tiểu học, nhất là HS lớp 1, cũng học được kĩ năng xã hội và kĩ năng học đường thông qua những trò chơi này. Vui chơi giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, kĩ năng xã hội, trí tuệ, tình cảm và thể chất. Vui chơi giúp trẻ học những kĩ năng mới, nâng cao kiến thức và hiểu biết về thế giới xung quanh, giúp trẻ được thực hành, tương tác, rút kinh nghiệm và giao tiếp thông qua các hoạt động.

Điều quan trọng là GV phải quan sát được lúc trẻ đang vui chơi để xem trẻ hoạt động như thế nào và hiểu được sự phát triển của trẻ. Quan sát trẻ lúc vui chơi giúp GV biết được khả năng, nhu cầu và sở thích của từng trẻ để từ đó tìm cách hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển và hoạt động học tập của trẻ.

Tâm sự với cô giáo và nghe con kể về cô Hương, chị Hiền Minh cảm thấy yên lòng hơn. Chị biết rằng một GV tâm huyết và có phương pháp dạy tiên tiến như cô Hương sẽ có cách hướng dẫn để con trai mình học tập đạt hiệu quả cao nhất.

Những lĩnh vực trẻ có thể phát triển thông qua vui chơi.

  1. Phát triển thể chất: Vui chơi giúp trẻ khoẻ mạnh, phát triển cơ bắp và trở nên nhanh nhẹn hơn.

  2. Phát triển về mặt xã hội: Trẻ học được những kĩ năng xã hội thông qua chơi đùa với nhau. Trẻ học cách biểu lộ tình cảm của chính mình và chia sẻ tình cảm với bạn bè. Chúng tìm được cách chơi chan hoà với bạn bè và hiểu bạn bè hơn.

  3. Phát triển về mặt tình cảm: Trẻ học cách kiểm soát tình cảm của mình thông qua vui chơi. Trẻ có cơ hội thử biểu lộ những tình cảm mà chúng thấy người khác đã biểu lộ.

  4. Phát triển về mặt trí tuệ: Vui chơi giúp trẻ biết được mọi thứ xung quanh diễn ra như thế nào. Chúng biết cách đưa ra lý do và giải quyết vấn đề cũng như luyện tập kĩ năng mới.

  5. Phát triển ngôn ngữ: Vui chơi còn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Kĩ năng ngôn ngữ được phát triển khi trẻ nghe người khác nói và cố gắng bắt chước theo. Kĩ năng đối thoại cũng phát triển khi trẻ nói chuyện về các trò chơi.

                                                                                                                                                                                                                                                              Kiều Miên.

0906768776